Đọc câu chuyện "Thi sĩ Hữu Loan và vợ là nhân chứng, là nạn nhân trong cải cách ruộng đất", tôi đã nghĩ phải chi cuộc đời này đừng xuất hiện những tư tưởng quái thai, khốn nạn, vô đạo đức ấy thì đẹp biết mấy, chúng sanh sẽ bớt điêu linh nhiều lắm.
Mới trưa này, vừa nói về chuyện cũ, chuyện đấu tố, nói về cái chết của Ông Ngoại tôi, ông cụ chết mất xác, không ngày giỗ, không mộ phần, chết vì bị Việt minh ban đêm xông vào gô cổ đi, chết vì bị cắt cổ ở cánh đồng ở làng bên cạnh, chết vì là địa chủ. Bà Ngoại tôi đã phải sống đời goá bụa hơn nửa thế kỷ, mất chồng, mất người con duy nhất, vì Mẹ tôi được người thân nhanh chóng đưa đi trốn kịp trong đêm ấy, và phải di cư lưu lạc vào miền Nam khi còn là thiếu niên. Mấy chục năm sau, Bố Mẹ tôi mới tìm ra tung tích của Ngoại trước khi bà mất được 2 năm, ở tuổi gần đất xa trời, tuổi 80.
Trưa nay, nhớ lại chuyện ông anh bên dòng trưởng đã kể chuyện cho chị em tôi nghe, trong ngày giỗ Bố tôi khi ấy ổng đã ngà ngà say ổng đã kể lại câu chuyện mà ổng im re mấy chục năm qua, ổng kể về cái chết của ông bác tôi, kể lại chính tay ông ấy rút con dao ra khỏi ngực của bác như thế nào, Việt minh đã găm nó vô đó đó, tất cả cũng vì bác là địa chủ.
Lại là những chữ “địa chủ, đấu tố”. Quái thai.
Lũ súc sinh không chỉ giết Ông ngoại tôi, mà còn khiến cho Bà ngoại tôi sống còn hơn chết, khiến cho Mẹ tôi trở thành trẻ mồ côi, một người không gia đình, dù trên đời bà vẫn còn có mẹ ruột và thân tộc. Chính vì vậy, sau ngày Ngoại tôi qua đời cho đến hôm nay, Mẹ tôi không một lần trở lại quê hương xứ sở ấy, ngay cả khi tôi đề nghị, Mẹ cũng gạt phắt đi. Mẹ rất thích về thăm miền bắc và đã từng quay lại, nhưng chỉ có một điểm để Mẹ hướng đến là quê hương của Bố tôi.
Bây giờ đọc thêm câu chuyện “địa chủ” của nhà thơ Hữu Loan… lại thêm một nốt đen của lịch sử.
Càng đọc câu chuyện của bác Hữu Loan càng thấy thêm yêu mến ông. Ông là thi sĩ mà tôi rất mến mộ, không chỉ vì ông là tác giả của tác phẩm tôi yêu thích, mà còn vì con đường ông đã lựa chọn, bỏ mọi công danh hư ảo, bất chấp mọi khó khăn để được sống cuộc đời nghệ sĩ thật sự.
Đọc lại một phần đời thi sĩ Hữu Loan đã đi qua và nghe lại nhạc phẩm Áo anh sứt chỉ đường tà, do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ của Hữu Loan. Nghe hay, nhưng buồn và thấy đau thương cho một giai đoạn đen tối của dân tộc tôi, của gia đình ông, và của gia đình chúng tôi.
Mây - 16/9/2016
_____________________________________
THI SĨ HỮU LOAN VÀ VỢ LÀ NHÂN CHỨNG, LÀ NẠN NHÂN
TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Chúng tôi xin copy lại bài viết từ facebook của chị Nguyễn Vi nói về câu chuyện của thi sĩ Hữu Loan
Hãy nghe ông kể...
"Lúc đó còn là chính trị viên của tiểu đoàn, tôi thấy tận mắt những chuyện đấu tố. Là người có học, lại có tâm hồn nghệ sĩ nên tôi cảm thấy chán nản quá, không còn hăng hái nữa. Thú thật, lúc đó tôi thất vọng vô cùng.
Trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, cách xa nơi tôi ở 15 cây số, có một gia đình địa chủ rất giàu, nắm trong gần 500 mẫu tư điền.
Trước đây, ông địa chủ đó giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông thấy bộ đội sư đoàn 304 của tôi thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Tôi là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải thay mặt anh em ra cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen ngợi để vinh danh ông.
Thế rồi, một hôm, Tôi nghe tin gia đình ông đã bị đấu tố. Hai vợ chồng ông bị đem ra cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong họ cho trâu kéo bừa đi qua đi lại 2 cái đầu đó, cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, chúng còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, cán bộ cấm đoán dân chúng cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.
Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ tôi hằng nhớ ơn, tôi trở về xã đó xem cô con gái họ sinh sống ra sao vì trước kia tôi cũng biết mặt cô ta. Tôi vẫn chưa thể nào quên được hình ảnh của một cô bé cứ buổi chiều lại lén lút đứng núp bên ngoài cửa sổ, nghe tôi giảng Kiều ở trường Mai Anh Tuấn.
Lúc gần tới xã, tôi gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc. Cô đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, tôi đến gần và hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc rưng rức và nói rằng gặp ai cũng bị xua đuổi ; hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong chiếc miếu hoang, cô rất lo lắng, sợ bị làm bậy và không biết ngày mai còn sống hay bị chết đói.
Tôi suy nghĩ rất nhiều, bèn quyết định đem cô về làng tôi, và bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.
Sự quyết định của tôi không lầm. Quê tôi nghèo, lúc đó tôi còn ở trong bộ đội nên không có tiền, nhưng cô chịu thương chịu khó, bữa đói bữa no … Cho đến bây giờ cô đã cho tôi 10 người con – 6 trai, 4 gái – và cháu nội ngoại hơn 30 đứa..."
Comments